



Được hậu thuẫn của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, Dự án Đê tả sông Hồng bị báo cáo sai sự thật hiện trạng, để Tập đoàn Phúc Sơn chen chân vào làm, thu lợi trăm tỉ.
Một trong những hành vi "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" của Nguyễn Văn Hậu, tức Hậu "Pháo" - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, bị cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an mới nêu trong kết luận, đề nghị truy tố, là việc ông ta liên quan đến sai phạm tại Dự án Đê tả sông Hồng.
Theo kết luận, đầu năm 2010, Hậu "Pháo" liên hệ, đặt vấn đề và được Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc lúc này là ông Bùi Minh Hồng cho tham dự cuộc họp của UBND huyện này, để bàn công tác triển khai Dự án Đê tả sông Hồng.
Dự án được phê duyệt kế hoạch đấu thầu rộng rãi với chi phí đầu tư lớn, thi công công trình đặc thù, Tập đoàn Phúc Sơn không đủ năng lực kinh nghiệm để tham gia trúng thầu. Bị can Hậu đã liên hệ, đặt vấn đề và được ông Phạm Văn Vọng - khi đó là Bí thư Tỉnh ủy; Phùng Quang Hùng - thời điểm này là Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, đồng ý tạo điều kiện cho Tập đoàn Phúc Sơn tham gia thi công các gói thầu theo hình thức chỉ định thầu.
Ông Phạm Văn Vọng - cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, bị cáo buộc nhận 2 tỉ đồng của Tập đoàn Phúc Sơn. Ảnh: TTXVN
Từ đó, ông Hồng ký văn bản báo cáo UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị cho áp dụng chỉ định thầu. Căn cứ báo cáo của UBND huyện Vĩnh Tường, chủ trương tạo điều kiện cho Tập đoàn Phúc Sơn, ông Hà Hòa Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khi đó đã ký báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc song phải đảm bảo việc áp dụng chỉ định thầu đúng quy định.
Sau khi có văn bản của Thủ tướng Chính phủ, để hợp thức lý do chỉ định thầu, ông Phùng Quang Hùng đã chỉ đạo, giao Văn phòng UBND tỉnh có văn bản yêu cầu huyện Vĩnh Tường và các đơn vị liên quan có báo cáo thể hiện "tính cấp bách của công trình và việc áp dụng hình thức chỉ định thầu là cần thiết".
Theo cơ quan điều tra, từ đó, các đối tượng tại UBND huyện Vĩnh Tường đã có báo cáo sai sự thật hiện trạng tuyến đê điều đang hư hỏng, cần sửa chữa ngay, nhằm hợp thức lý do công trình hư hỏng để ông Hà Hòa Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định phê duyệt, điều chỉnh Kế hoạch từ đấu thầu rộng rãi sang hình thức chỉ định thầu.
Đồng thời, ông Hồng chỉ đạo Trưởng Ban quản lý dự án huyện Vĩnh Tường Đàm Hữu Tuấn, tiết lộ thông tin, dự toán các gói thầu dưới dạng dữ liệu điện tử. Nắm được thông tin, Hậu "Pháo" chỉ đạo Phạm Ngọc Cương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Phúc Sơn - chuẩn bị hồ sơ trong đó sử dụng các hợp đồng của doanh nghiệp không đạt yêu cầu về giá trị, không thi công...
Hậu "Pháo" cũng chỉ đạo nhân viên lập các báo cáo tài chính nâng khống doanh thu; thông đồng, móc ngoặc với Đỗ Ngọc Hóa - Giám đốc Công ty Thẩm định giá APEC xác nhận kiểm toán khống các báo cáo tài chính.
Do được tiết lộ, cung cấp thông tin gói thầu, Tập đoàn Phúc Sơn đã nộp hồ sơ cùng ngày nhận được thư mời dự thầu và đề xuất gói thầu số 1, 3 cao hơn giá dự toán. Theo quy định Phúc Sơn sẽ không được xét trúng thầu.
Song ông Khổng Văn Thuyết - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường - đã ký quyết định phê duyệt điều chỉnh giá 2 gói thầu trên. Cuối cùng Tập đoàn Phúc Sơn trúng 2 gói thầu trên, giá trị lần lượt từ hơn 47 tỉ đồng đến 1.045 tỉ đồng.
Quá trình thi công, Tập đoàn Phúc Sơn sử dụng 5 công ty khác, không được chủ đầu tư phê duyệt, làm nhà thầu phụ. Các công ty này phải cắt chuyển lại cho Tập đoàn Phúc Sơn hơn 58 tỉ đồng; 11 đơn vị cung cấp vật tư, vật liệu chuyển lại hơn 231 tỉ đồng. Tập đoàn Phúc Sơn hưởng lợi hai khoản này.
Hậu "Pháo" khai có đưa cho ông Phạm Văn Vọng - Bí thư Tỉnh ủy 2 tỉ đồng; ông Phùng Quang Hùng 30.000 USD./.
Nguồn: Việt Dũng/laodong.vn