Bắc Kinh đang chật vật đối phó với 2 bê bối khiến ngành ngân hàng lao đao. Đó là làn sóng dừng trả nợ của người mua nhà và vụ lừa đảo tài chính khiến nhiều người có thể mất trắng.
Theo CNN, Trung Quốc đang cố xoa dịu dư luận sau khi những bê bối trong ngành ngân hàng đe dọa sự ổn định xã hội của đất nước. Đó là làn sóng từ chối trả nợ và các cuộc biểu tình của khách hàng sau khi tài khoản ngân hàng bị đóng băng.
Hôm 17/7, Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) kêu gọi các ngân hàng tăng cường cấp tín dụng cho ngành bất động sản nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành những dự án nhà ở dở dang.
Trên khắp đất nước, hàng nghìn người mua nhà dừng thanh toán khoản vay thế chấp vì các dự án nhà ở bị hoàn thành chậm tiến độ và giá nhà lao dốc.
Dừng trả nợ hàng loạt
Tại Trung Quốc, các công ty bất động sản được phép bán những dự án nhà ở chưa hoàn thành. Khách hàng phải thanh toán những khoản vay thế chấp trước khi được bàn giao nhà.
Số tiền này sẽ được các công ty bất động sản dùng để xây dựng nhà ở. Làn sóng dừng trả nợ bùng nổ khi ngày càng nhiều dự án bị trì hoãn, thậm chí dừng thi công do cuộc khủng hoảng tiền mặt của ngành công nghiệp bất động sản.
Năm ngoái, China Evergrande - tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc - chính thức vỡ nợ. Gần 800 dự án tại 200 thành phố trên khắp cả nước của tập đoàn không thể hoàn thành. Sau China Evergrande, ngày càng nhiều công ty địa ốc của Trung Quốc trượt tới bờ vực vỡ nợ.
Giá nhà lao dốc cũng khiến nhiều người mua tuyệt vọng. Khách mua nhà đang sở hữu một tài sản hiện có giá trị thấp hơn giá mua ban đầu. Trong khi đó, họ vẫn phải trả nốt khoản vay thế chấp.
Người mua nhà dừng trả nợ vì không được bàn giao nhà đúng hạn. Ảnh: Reuters.
Theo công ty nghiên cứu China Real Estate Information Corp, người mua của 100 dự án ở 50 thành phố của Trung Quốc đã quyết định ngừng thanh toán các khoản vay thế chấp kể từ ngày 13/7, tăng từ 58 dự án hôm 12/7 và 28 dự án ngày 11/7.
Theo trang web của CBIRC, cơ quan quản lý sẽ hợp tác chặt chẽ với các chính quyền địa phương để đảm bảo giao nhà kịp thời cho người dân. Nhưng nhóm chuyên gia của Nomura cho rằng "vấn đề rất phức tạp và không chắc CBIRC có thể tự xử lý".
Làn sóng biểu tình
Bắc Kinh cũng đang chật vật xoa dịu làn sóng bất bình của dư luận, sau khi những khoản tiền gửi của khách hàng bị giam tại một số ngân hàng nông thôn Trung Quốc. Các nhà băng này vướng vào một trong những vụ lừa đảo tài chính lớn nhất đất nước.
Hôm 17/7, CBIRC cam kết tăng cường vùng đệm vốn cho hàng nghìn ngân hàng nhỏ. Sức khỏe tài chính của những nhà băng này đã suy yếu khi nền kinh tế giảm tốc tăng trưởng và thị trường bất động sản lao dốc.
Những tuần qua, các cuộc biểu tình đã gây rúng động miền Trung Trung Quốc. Hàng nghìn khách hàng không thể truy cập vào tài khoản tiền gửi của mình.
Theo tuyên bố, CBIRC cũng cho phép các chính quyền địa phương phát hành hơn 15 tỷ USD trái phiếu đặc biệt để bổ sung vốn cho các ngân hàng nhỏ trong năm nay. CBIRC sẽ làm việc với Bộ Tài chính Trung Quốc nhằm phê duyệt 30 tỷ USD trái phiếu vào tháng 8.
Trước đó, giới chức địa phương cũng tuyên bố sẽ tự trả tiền cho các nạn nhân của vụ lừa đảo tiền tiết kiệm nhằm xoa dịu làn sóng biểu tình. Theo đó, khách hàng gửi dưới 50.000 nhân dân tệ (7.400 USD) sẽ được "trả tiền sớm" kể từ ngày 15/7.
Nhưng những người gửi hơn 50.000 nhân dân tệ vẫn đứng ngồi không yên. Họ sợ sẽ không được hoàn trả đầy đủ.
Hàng trăm người xuống đường biểu tình sau khi không thể truy cập vào tài khoản tiền gửi. Ảnh: Reuters.
Thêm vào đó, CBIRC cho biết sẽ không trả tiền cho những tài khoản bị nghi ngờ liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp hoặc nhận lãi suất cao từ những kênh huy động khác.
Kết quả điều tra chỉ ra một công ty đầu tư tư nhân có cổ phần ở các nhà băng nhỏ tỉnh Hà Nam đã thông đồng với nhân viên ngân hàng để huy động vốn trái phép thông qua những nền tảng trực tuyến của bên thứ 3. Đến đầu tháng 4, những ngân hàng này đã tạm ngừng cho khách hàng rút tiền.
Giới chức Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức ngày càng lớn để duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Các hoạt động kinh tế suy giảm mạnh vì chiến lược Zero-Covid (đưa số ca nhiễm mới về 0) của Bắc Kinh.
Cùng với đó là cuộc trấn áp đối với lĩnh vực tư nhân, khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản, những rắc rối của ngành ngân hàng và các cuộc biểu tình gia tăng.
Quý II vừa qua, kinh tế Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 2 năm. Theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia (NBS) công bố hôm 15/7, GDP của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng 4,8% trong quý I và dự báo của giới quan sát.
So với quý trước, nền kinh tế Trung Quốc lao dốc 2,6%. Đây là kết quả tồi tệ nhất kể từ đầu năm 2020, khi Trung Quốc chật vật đối phó với làn sóng Covid-19./.
Nguồn: vietnamnet.vn