Người lao động không về quê trong kỳ nghỉ lễ để có thêm thu nhập

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Người lao động không về quê trong kỳ nghỉ lễ để có thêm thu nhập

Với mức lương cao hơn ngày thường, nhiều người lao động sẵn sàng gác chuyện về quê thăm gia đình để ở lại kiếm thêm thu nhập trong dịp lễ 30.4 và 1.5 này.

Chiều tối ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ, phóng viên Báo Lao Động đến thăm các dãy nhà trọ gần khu công nghiệp Trung An (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang).

Một số người lao động sinh sống ở đây đã lựa chọn ở lại thành phố trong những ngày lễ 30.4 và 1.5, để tiết kiệm chi phí và kiếm thêm thu nhập.

Sinh sống bên trong căn phòng trọ diện tích khoảng 15m2, anh Nguyễn Thế Phát (ngụ ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, anh đang làm công việc bảo vệ tại một tiệm vàng trên địa bàn thành phố Mỹ Tho. Đợt lễ 30.4 và 1.5 này, anh không về quê mà ở lại đi làm để kiếm thêm thu nhập.

Theo anh Phát, đi làm 5 ngày trong dịp lễ sẽ thưởng được 1 triệu đồng. Đây cũng là động lực để anh ở lại.

"Vào ngày nghỉ lễ, xe cộ đông đúc, chật chội di chuyển rất khó khăn. Thế nên tôi chọn ở lại thành phố làm việc. Từ TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) về quê khoảng 110km nên đợi lúc nào sắp xếp được hoặc gia đình có công việc thì tôi nghỉ phép về quê sau", anh Phát chia sẻ.

Rời Hậu Giang lên Tiền Giang làm lao công tại một doanh nghiệp may mặc ở Cụm công nghiệp Trung An, chị Đoàn Thị Tư (quê ở TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) cho biết, dịp lễ này, chị sẽ không về quê để tiết kiệm tiền.

“Dịp lễ này, xe cộ đông đúc. Trên đường về quê sẽ phải nhích từng chút một - rất vất vả. Do đó, thay vì về quê tốn kém thì tôi chọn ở lại đi phụ việc tại các quán ăn để kiếm thêm thu nhập”, chị Tư nói.

Chị Tư chia sẻ thêm, mỗi buổi chị cũng thu nhập khoảng 150.000 đồng. Dù gia đình khuyên không cần cố làm, nhưng vì hoàn cảnh, chị vẫn vẫn quyết tâm ở lại đi làm để kiếm thêm.

Anh Phát không về quê trong dịp lễ 30.4, ở lại thành phố để đi làm. Ảnh: Thành Nhân

Anh Phát không về quê trong dịp lễ 30.4, ở lại thành phố để đi làm. Ảnh: Thành Nhân

Anh Nguyễn Thế Phát chia sẻ: “Tôi năm nay đã 32 tuổi rồi, ở quê không có việc làm ổn định nên phải đi xa xứ tìm công việc mưu sinh. Bây giờ còn sức khỏe thì cố gắng để kiếm thu nhập, có tích lũy một số vốn để về quê làm ăn.

“Ai mà chẳng muốn đoàn tụ với gia đình, nhưng đã rời quê lên thành phố mưu sinh thì phải suy nghĩ cho tương lai, sử dụng đồng tiền làm ra một cách hiệu quả và tiết kiệm. Không về quê, vừa để tiết kiệm chi phí, vừa có thể đi làm kiếm thêm thu nhập. Tích lũy khấm khá, dư dả sẽ trở về để không còn sống cảnh ly hương”, anh Phát bộc bạch.

Ảnh: Thành Nhân

Gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền trên đôi vai khiến người lao động như anh Phát không cho phép bản thân nghỉ ngơi, tiếp tục lặng lẽ mưu sinh trong ngày lễ. Ảnh: Thành Nhân

Chị Đoàn Thị Tư tâm sự: “Xa quê những tháng ngày lo toan cơm áo gạo tiền cùng không ít khó khăn, cực nhọc. Tuy nhiên, gạt đi tất cả, tôi luôn siêng năng làm việc để kiếm tiền, tích lũy có một số vốn khấm khá để trở về quê an cư, lập nghiệp”.

“Từ qua tới nay, thấy người khác háo hức về quê trong dịp lễ này. Tôi cũng có chút chạnh lòng. Buồn thì ai cũng buồn nhưng người thân cũng đều hiểu. Bôn ba, chăm chỉ đi làm thuê nơi đất khách quê người, dành dụm tiền tích luỹ chỉ để mong sau này có cuộc sống khấm khá hơn” , chị Tư chia sẻ./.

Nguồn: Thành Nhân/laodong.vn