Các nước đang tiêm vaccine Covid cho trẻ 5-11 tuổi thế nào

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Các nước đang tiêm vaccine Covid cho trẻ 5-11 tuổi thế nào

Hơn 42 quốc gia, lãnh thổ đang và sắp triển khai tiêm chủng cho trẻ 5-11 tuổi, song rào cản lớn nhất đến từ lo ngại phụ huynh về tác dụng phụ của vaccine.

Trong bối cảnh biến chủng Omicron bùng phát, nhiều nước tập trung tiêm chủng cho thanh thiếu niên và trẻ em từ 5 đến 11 tuổi để ngăn ngừa virus lây lan.

Tờ SCMP trích dẫn lời giáo sư William Chui Chun-ming, chủ tịch Hiệp hội Dược sĩ Bệnh viện Hong Kong, cho biết tiêm vaccine vẫn là chìa khóa để bảo vệ trẻ em khỏi virus. Ông nói: "Mặc dù vaccine có thể không ngăn trẻ bị nhiễm bệnh, nhưng chúng giúp giảm nghiêm trọng của các biến chứng và ngăn ngừa việc nhập viện, thậm chí tử vong". Ngoài ra, vaccine cũng bảo vệ trẻ không bị di chứng Covid kéo dài - một tình trạng khiến các em có thể mệt mỏi, mất tập trung, đau đầu và khó thở nhiều tháng sau khỏi bệnh.

Giáo sư David Hui Shu-cheong, cố vấn về đại dịch cho chính quyền Hong Kong, cho biết hơn 20% trẻ em dưới 12 tuổi mắc Covid-19 ở Nam Phi đã phát triển các biến chứng. "Khi số ca nhiễm quá lớn, trẻ không được tiêm chủng có thể gặp các biến chứng nặng", ông nói và cho biết thêm hầu hết những trẻ có triệu chứng nhẹ đều đã được chủng ngừa.

Từ ngày 16/2, Hong Kong tiêm vaccine cho trẻ em lứa tuổi này với hai loại vaccine Pfizer và Sinovac. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát được công bố hôm 8/2 cho thấy chỉ 1 trên 10 phụ huynh sẵn sàng cho con tiêm chủng, trong khi 85% lo lắng về các tác dụng phụ có thể xảy ra khi tiêm.

Tại Mỹ, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) ngày 29/10/2021 đã cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine Pfizer cho trẻ dưới 12 tuổi. Tiến sĩ Janet Woodcock, quyền ủy viên FDA, cho biết: "Là một người mẹ và một bác sĩ, tôi hiểu rằng phụ huynh, bảo mẫu, giáo viên và trẻ em đã chờ đợi quyết định này. Tiêm phòng cho trẻ nhỏ sẽ đưa chúng ta đến cuộc sống bình thường mới".

Tính đến 2/2, 8,6 triệu trẻ em từ 5 đến 11 tuổi ở Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, chiếm 30% trong nhóm dân số này. 6,2 triệu trẻ đã tiêm đủ hai liều vaccine.

Theo dữ liệu thực tế và thử nghiệm lâm sàng, trẻ thường đau tại vùng tiêm, sốt nhẹ, đau đầu. Phản ứng tương tự với các nhóm tuổi khác. Sau liều thứ hai, 39% trẻ nhỏ cảm thấy mệt mỏi và 28% báo cáo hiện tượng đau đầu. Dưới 10% các em bị sốt và đau cơ. Công bố đầu tháng 1 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy trẻ em từ 5 đến 11 tuổi tiêm vaccine Pfizer hiếm khi gặp phản ứng phụ nghiêm trọng. Cơ quan này nhận được 11 báo cáo về chứng viêm cơ tim trên hơn 8 triệu liều đã triển khai và tất cả đều biểu hiện nhẹ.

Thái độ của các bậc cha mẹ đối với vaccine cũng tích cực hơn trong những tháng qua. Theo khảo sát của Kaiser Family Foundation, khoảng một phần ba số phụ huynh cho biết con cái họ đã được tiêm chủng, gấp đôi so với tháng 11/2021. Sự thay đổi lớn nhất đến từ những người từng e ngại. Nhóm có thái độ chờ đợi giảm từ 32% vào tháng 11 xuống còn 19% trong tháng 2. 13% phụ huynh nói họ sẽ đưa con đi tiêm vaccine "ngay lập tức".

Bridgette Melo, 5 tuổi, nắm tay cha khi được tiêm vaccine Covid-19 trong thử nghiệm lâm sàng tại North Carolina, tháng 9/2021. Ảnh: Reuters

Là một trong những nước đầu tiên phê duyệt vaccine Covid-19 cho người trưởng thành, Anh bước chậm rãi hơn trong chương trình vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Ngày 30/1, hơn hai tháng sau khi Mỹ chấp thuận vaccine Pfizer, Anh có động thái tương tự.

Song nước này không có kế hoạch tiêm chủng đại trà như nhiều quốc gia khác. Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) cho biết trẻ em trong nhóm có nguy cơ lâm sàng, dễ chuyển nặng sau mắc Covid-19, bị ức chế miễn dịch mới đủ điều kiện tiêm vaccine. Thông báo này dựa trên khuyến nghị của Ủy ban Hỗn hợp về Vaccine và Tiêm chủng (JCVI) hồi tháng 12.

Cơ quan lo ngại về tác dụng phụ hiếm gặp là viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim ở những người trẻ tuổi. JCVI cũng nhận định trẻ em ít có nguy cơ chuyển nặng sau nhiễm nCoV. Song nhiều chuyên gia cho rằng cần tiêm chủng cho nhóm này nhằm bảo vệ người cao tuổi, có bệnh nền.

"Các bậc cha mẹ và người giám hộ có thể yên tâm rằng sẽ không có loại vaccine nào được phê duyệt cho trẻ em trừ khi chúng đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng và hiệu quả", Maggie Throup, trưởng ban Vaccine của Anh, cho biết.

Russell Viner, giáo sư sức khỏe vị thành niên tại Viện Sức khỏe Trẻ em của Đại học College London, đưa ra một số lý do khiến Anh và Mỹ chọn cách tiếp cận chương trình tiêm chủng khác nhau.

"Bác sĩ Mỹ thường ủng hộ các biện pháp can thiệp y khoa để phòng ngừa và điều trị bệnh. Tại Anh, mọi người xét đến những tổn hại, tác dụng phụ nhiều hơn", ông nói.

Bên cạnh đó, ông cho rằng trẻ em Mỹ bị Covid-19 ảnh hưởng nặng nề hơn. "Hệ thống y tế của họ không bảo vệ được những người dễ tổn thương hiệu quả như chúng tôi", ông cho biết.

Australia hôm 5/12/2021 phê duyệt vaccine Pfizer tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Bộ trưởng Y tế Australia Grey Hunt khẳng định Cơ quan Quản lý Y tế Australia đã đánh giá cẩn thận và kỹ lưỡng các dữ liệu an toàn trong việc sử dụng vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em. Sau khi được phê duyệt, khoảng 2,3 triệu trẻ em nước này trong độ tuổi từ 5 đến 11 sẽ được tiếp cận với vaccine.

Tính đến ngày 30/1, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Australia (TGA) đã nhận 360 báo cáo về các phản ứng phụ sau tiêm trên 913.000 liều vaccine triển khai ở nhóm tuổi này. Các phản ứng phổ biến nhất gồm ngất, đau ngực, buồn nôn, nôn và đau đầu; không có trường hợp nào bị viêm cơ tim.

TGA cũng cho hay, dữ liệu mới từ khảo sát của AusVaxSafety chỉ ra rằng vaccine Pfizer hiệu quả ở trẻ 5-11 tuổi, ít phản ứng phụ hơn so với ở người lớn. Các tác dụng phụ chủ yếu là phản ứng cục bộ tại chỗ tiêm như đau, sưng, đỏ và ngứa; nhức đầu và mệt mỏi cũng rất phổ biến.

Giống với Mỹ, Israel là một trong những quốc gia triển khai sớm chương trình tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Quốc gia phê duyệt khẩn cấp vaccine Pfizer ngày 15/11, sau làn sóng Covid-19 thứ tư. Khi ấy, phần lớn các ca nhiễm là trẻ vị thành niên. Trẻ từ 5 đến 11 tuổi chiếm gần một nửa trong số trường hợp dương tính.

Đến tháng 1, Bộ Y tế Israel quyết định tiêm thêm liều tăng cường cho nhóm tuổi này. Theo truyền thông địa phương, trước khi có thông báo chính thức, khoảng 1.000 trẻ em đã tiêm liều thứ ba.

Tuy nhiên, thái độ của các bậc cha mẹ là một rào cản của chiến lược tiêm chủng nước này. Theo khảo sát của Viện Chính sách Xã hội tại Đại học Washington hồi tháng 12, chỉ khoảng 37% bậc cha mẹ Israel có dự định tiêm vaccine Covid-19 cho con cái, 23% chưa đưa ra quyết định và tới 40% cho biết sẽ không đưa con em đi tiêm chủng.

Theo nghiên cứu, các bậc cha mẹ e ngại tiêm vaccine cho con em không bài xích tiêm chủng nói chung. Nhiều người do dự vì tuổi của con mình còn quá nhỏ hoặc không muốn cho con tiêm trộn hai vaccine.

Nhật Bản kể từ tháng 2 cũng ráo riết chuẩn bị tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi trong bối cảnh ca nhiễm tăng đột biến vì chủng Omicron. Nước này chỉ sử dụng vaccine Pfizer để tiêm cho trẻ em, liều lượng như chỉ dẫn của nhà sản xuất.

Nhiều bậc phụ huynh vẫn tranh cãi về việc có nên đưa con em đi tiêm chủng hay không do lo ngại về các tác dụng phụ. Khác với nhiều nước, Nhật Bản chưa báo cáo ca tử vong vì Covid-19 nào ở trẻ nhỏ. Các em hiếm khi phát triển triệu chứng nghiêm trọng.

Một số cha mẹ cảnh giác với tác dụng phụ hoặc lo ngại về vấn đề sức khỏe lâu dài liên quan đến vaccine. Vì vậy, theo các chuyên gia, sự hỗ trợ tỉ mỉ và cam kết từ cơ quan chức năng được coi là chìa khoá để thúc đẩy chương trình tiêm chủng cho trẻ em.

Vaccine Covid-19 liều 10 microgram dành cho trẻ em của Pfizer. Ảnh: Pfizer

Giới chức y tế Nhật Bản và toàn thế giới cho biết vaccine Covid-19 không để lại các tác dụng phụ lâu dài, không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hoặc giai đoạn dậy thì của các em. Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản nhiều lần khẳng định vaccine mRNA không làm thay đổi DNA của con người, bởi chúng hoạt động bên ngoài nhân tế bào, nơi DNA được lưu trữ.

Trả lời tờ Japan Times, một phụ nữ khoảng 30 tuổi ở Tokyo cho biết cô từng do dự nếu phải đưa con gái đang học mẫu giáo đi tiêm chủng vì cảm thấy tức ngực sau khi bản thân tiêm liều vaccine đầu tiên. Song khi Omicron xuất hiện, lây lan nhanh khiến số ca mắc Covid-19 nước này tăng lên, cô và nhiều phụ huynh thay đổi suy nghĩ.

Tại Singapore, trẻ em từ 5 đến 11 tuổi hiện là nhóm có tỷ lệ lây nhiễm nCoV cao nhất, theo thông báo của Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung. Nước này ráo riết triển khai chương trình tiêm chủng cho nhóm tuổi trên nhằm ngăn ngừa virus lây lan.

Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HSA) hôm 11/12 đã phê duyệt vaccine Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Ngày 19/1, HSA cho biết không có phản ứng phụ nghiêm trọng nào liên quan tới vaccine Covid-19 trong chiến dịch tiêm chủng.

Tính đến hết 31/12/2021, chỉ có 6 trường hợp có phản ứng phụ, chiếm tỷ lệ rất nhỏ 0,03% trong tổng số 20.327 liều vaccine đã được tiêm. HSA nhận được báo cáo về một số trường hợp trẻ có phản ứng phụ như phát ban, chóng mặt, sốt và khó thở, nhưng không nghiêm trọng./.

Nguồn: Thục Linh (Theo NY Times, Reuters, Guardian)/vnexpress.net