Giá vé máy bay đến nhiều địa điểm du lịch trong dịp Hè tăng cao

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Giá vé máy bay đến nhiều địa điểm du lịch trong dịp Hè tăng cao

Dự báo nhu cầu đi lại trong dịp cao điểm Hè sẽ tăng mạnh sau khi dịch bệnh COVID-19 đã dần được kiểm soát dẫn đến giá vé đến nhiều điểm du lịch hiện đang trong tình trạng "chót vót".

Giá vé đến nhiều địa điểm du lịch nội địa trong cao điểm Hè tới đây đang nhích dần và tăng cao. Để có thể “săn” được vé rẻ, các hãng bay khuyến khích người dân nên lên kế hoạch lộ trình và mua sớm nhằm phù hợp với khả năng chi tiêu.

Theo khảo sát trên các trang web bán giá của hãng hàng không, với chặng bay Hà Nội-Phú Quốc, chuyến bay vào ngày 10/6, giá vé của Vietnam Airlines dao động từ 2,4-7 triệu đồng/vé, giá vé chuyến bay đêm vào lúc 23 giờ 25 phút cũng là hơn 2 triệu đồng/vé. Chiều ngược lại, vé có giá thấp nhất là 3,2 triệu đồng/vé cho chuyến bay vào lúc 9 giờ 25 phút sáng, còn lại các chuyến bay khác trong ngày dao động từ 3,8-7 triệu đồng/vé.

Nếu bay Vietjet Air, hành khách sẽ phải bỏ ra số tiền dao động từ 2,4-3,8 triệu đồng/vé (chưa bao gồm thuế, phí). Một hành khách di chuyển khứ hồi Hà Nội-Phú Quốc và ngược lại bằng tàu bay Vietjet Air vào khoảng thời gian này sẽ phải chi ít nhất là 6,5 triệu đồng tiền vé máy bay. Với Bamboo Airways, giá vé khứ hồi cho đường bay này dao động từ 4,3-5,5 triệu đồng (đã bao gồm thuế, phí và phụ phí).

Hay như chặng bay Hà Nội-Đà Nẵng, giá vé khứ hồi đã bao gồm thuế phí của Bamboo Airways là khoảng hơn 2-3,3 triệu đồng tùy giờ bay; Vietnam Airlines dao động từ 3,2-4,5 triệu đồng; Vietjet cũng từ 2,6-4 triệu đồng.

Đến thời điểm này, chỉ có mỗi hãng hàng không Vietnam Airlines đưa ra kế hoạch tăng chuyến và cung ứng số ghế trong dịp cao điểm Hè tới.

Cụ thể, từ 1/6 đến 15/8, Vietnam Airlines Group (gồm 3 hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VASCO) sẽ cung ứng hơn 7,1 triệu chỗ bay nội địa và quốc tế, tương ứng hơn 36.000 chuyến bay.

Trong số đó, Vietnam Airlines Group cung ứng gần 6,3 triệu chỗ thị trường nội địa, tương ứng hơn 32.400 chuyến bay, tăng 10% so với cùng kỳ trước đại dịch COVID-19 là năm 2019. Các đường bay nhộn nhịp nhất là giữa Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh với gần 160 chuyến bay mỗi ngày kết nối các thành phố này.

Mỗi ngày cũng sẽ có hàng trăm chuyến bay kết nối các điểm du lịch nổi tiếng trên toàn quốc như Phú Quốc, Cam Ranh, Đà Lạt, Huế, Quy Nhơn, Đồng Hới, Tuy Hòa, Côn Đảo… Tổng cộng, Vietnam Airlines Group sẽ khai thác xấp xỉ 430 chuyến bay nội địa mỗi ngày trong dịp cao điểm Hè.

“Vietnam Airlines tiếp tục thực hiện chính sách dải giá vé linh hoạt, đa dạng giá vé từ tiết kiệm đến tiêu chuẩn, phù hợp với khả năng chi tiêu, nhu cầu dịch vụ khác nhau của những khách hàng khác nhau. Để mua vé giá tiết kiệm, các hãng khuyến nghị hành khách nên đặt chỗ, mua vé từ sớm, mua trên website, ứng dụng di động,” đại diện Vietnam Airlines cho hay.

Hành khách xếp hàng dài làm thủ tục để lên chuyến bay. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Thống kê của Cục Hàng không cho thấy trong bốn tháng của năm nay, tổng thị trường nội địa đạt 11,5 triệu khách, bằng 98% so cùng kỳ 2019 và chỉ riêng tháng 4/2022, thị trường hàng không nội địa đã đạt 3,6 triệu khách, tăng 19% so với tháng 4/2019.

Đến nay, các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác trở lại gần 60 đường bay nội địa với tần suất trung bình từ 700-800 chuyến bay/ngày.

Theo kịch bản lạc quan của Cục Hàng không Việt Nam, dự kiến đến hết năm 2022, sản lượng vận chuyển hành khách nội địa có thể đạt từ 33-35 triệu lượt khách và trở về mức trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, thậm chí có thể tăng nhẹ 12% so với năm 2019.

Đánh giá tiềm năng to lớn của thị trường hàng không du lịch nội địa, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng trong suốt 2 năm (2020-2021) chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID19, vào những giai đoạn dịch bệnh được khống chế tạm thời, nhu cầu vận chuyển hàng không nội địa tương đương, thậm chí còn tăng trưởng cao hơn cả năm 2019.

Đơn cử như giai đoạn Hè năm 2020 hay nghỉ lễ 30/4-1/5 năm 2021, các hãng hàng không Việt Nam đều tận dụng cơ hội, tập trung khai thác thị trường nội địa, đáp ứng nhu cầu vận chuyển và qua đó có nguồn tài chính kịp thời để bù đắp cho sự thiếu hụt do ảnh hưởng của đại dịch.

“Một điều mang tính quy luật là sau mỗi một đợt khủng hoảng, thị trường giảm sâu thì giai đoạn sau đó thị trường lại hồi phục mạnh mẽ và có sự tăng trưởng nhanh, mạnh trong một thời gian dài,” ông Thắng nhìn nhận./.

Nguồn: Việt Hùng/vietnamplus.vn