Miền Tây đứt gãy nguồn cung cát

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Miền Tây đứt gãy nguồn cung cát

Ngay sau khi 18 bị can bị bắt vì liên quan khai thác cát lậu ở An Giang, nguồn cung cát tại ĐBSCL bỗng khan hiếm lạ thường. Giá cát đội lên cao chưa từng thấy, nhiều công trình rơi vào cảnh "có tiền cũng không mua được cát".

Chỉ tay về đội xe ben nằm bãi mấy ngày qua, ông N.Đ, chủ doanh nghiệp (DN) chuyên cung cấp vật liệu xây dựng ở TP.Cần Thơ, cho biết ông đang cung cấp cát cho 8 dự án (DA) xây dựng ở ĐBSCL, nhưng giờ có tiền cũng không mua được cát. Cả đội xe, sà lan phải nằm chờ, các công trình vì thế cũng phải đợi, tiến độ chắc chắn bị ảnh hưởng. "Hồi trước, các mỏ họ khai thác 10 nhưng báo 1 nên nguồn cung cát rất dồi dào. Còn sau khi Bộ Công an vào cuộc vụ Công ty CP đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 (Công ty Trung Hậu 68), các mỏ khác đâu dám làm bừa nữa, nguồn cung cũng khan hiếm, đứt gãy mấy bữa nay", ông Đ. giải thích thêm.

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung khiến người dân, doanh nghiệp ĐBSCL phải mua cát với giá “cắt cổ” - ĐÌNH TUYỂN

Ảnh hưởng công trình trọng điểm

Chia sẻ về tình trạng khan hiếm cát, ông Đ. cho hay giá cát mua xuất hóa đơn tại mỏ chỉ khoảng 120.000 đồng/m³, nhưng hiện đem được về đến chân công trình tại Cần Thơ là 320.000 đồng/m3, tăng 60.000 đồng/m3 so với vài ngày trước. "Hầu hết các công trình trọng điểm ở ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng bởi tình hình khan hiếm cát và tăng giá. Chẳng hạn, một số DA cung cấp cát san lấp ở Cần Thơ, nhà thầu san lấp ký hợp đồng khoảng 180.000 đồng/m3, nếu xin điều chỉnh giá và được chấp nhận thì cũng chỉ lên được khoảng 220.000 đồng/m3. Giá cát mua vào giờ là 320.000 đồng/m3, lỗ 100.000 đồng/m3 thì chẳng ai làm cả", ông Đ. nói,

Cũng theo ông Đ., nếu các DA trọng điểm thiếu cát san lấp thì các công trình dân dụng lại đang khốn khổ vì thiếu cát xây tô. Để có cát xây tô lúc này, DN kinh doanh vật liệu xây dựng chỉ có thể mua cát nhập từ Campuchia với mức giá trên trời. "Hiện 1 m3 cát Campuchia đưa từ cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (An Giang) về tới Cần Thơ là 280.000 đồng, đem tới công trình là 380.000 đồng. Giá vậy nhưng anh không chuyển tiền trước thì họ cũng không giao cho", ông Đ. cho biết.

Sau khi Bộ Công an vào cuộc, việc cung cấp cát phục vụ cho các dự án cao tốc ĐBSCL sẽ được quản lý chặt chẽ hơn - ĐÌNH TUYỂN

Ông Đoàn Thanh Tâm, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án ODA TP.Cần Thơ, cho biết đơn vị có khoảng 18 - 20 gói thầu đang triển khai đồng loạt cần đến cát. "Mặc dù chưa có báo cáo hay đề nghị chính thức, nhưng chúng tôi cũng đã nắm sơ bộ thông tin nhà thầu phản ánh là khó khăn rất lớn khi giá cát tăng cao, nguồn cát khan hiếm", ông Tâm nói.

Ngay tại An Giang, nguồn cung cát cũng biến động lớn khi hàng loạt mỏ bị rút giấy phép. Giá cát ngoài thị trường đã tăng 70.000 - 80.000 đồng/m3. Ông T. (chủ một DN khai thác mỏ cát ở H.An Phú, An Giang) cho biết sau vụ việc Công ty Trung Hậu 68 khai thác vượt trữ lượng bị phanh phui thì nhiều DN làm ăn bất minh hoạt động cầm chừng lại, dẫn tới nguồn cung cát thiếu hụt nghiêm trọng. DN của ông T. khi được địa phương yêu cầu hỗ trợ cung cấp vài ngàn m3 cát để xây dựng nhà chính sách cho hộ nghèo đã không dám nhận lời vì… sợ. "Nguồn cát hiện nay theo quy định phải cung cấp cho công trình trọng điểm được UBND tỉnh phê duyệt. Cho nên dù rất muốn cung cấp cát cho địa phương xây dựng nhà ở cho hộ khó khăn nhưng tôi không dám. Có chuyện gì là mình sai, bị rút giấy phép như chơi", ông T. nói.

Biến động vì cát lậu bị "cắt đứt"

Theo tiết lộ của ông L.H.N, một chủ đầu tư hàng loạt công trình xây dựng có trụ sở tại TP.Cần Thơ, cát luôn là nỗi lo lớn nhất của bất cứ công trình nào, đặc biệt là các gói thầu san lấp. Nguồn cung thiếu minh bạch khiến cho giá và lượng cát trồi sụt thất thường trong nhiều năm qua. 

"Câu hỏi đặt ra là nếu thực sự các mỏ không làm sai thì việc gì họ phải dừng khai thác mỗi khi có chuyện? Thực tế, ở ĐBSCL, chỉ cần nghe có đoàn kiểm tra, thanh tra là nhiều mỏ gác cần; lượng cát khai thác giảm hẳn, dẫn tới khan hiếm. Có nhiều lúc công trình chúng tôi phải ngưng cả tháng trời để chờ cát, rất bị động", ông N. nói và cho rằng bản chất là vì công tác quản lý khai thác cát có quá nhiều bất cập, từ đó dẫn tới trữ lượng khai thác cát thực tế cao gấp nhiều lần so với trữ lượng cấp phép. Ngay cả những khâu tưởng chừng như được quản lý chặt chẽ như quy định về thời gian, số lượng phương tiện khai thác, các mỏ cát cũng có thể dễ dàng luồn lách. 

"Quy định thời gian khai thác từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, phương tiện đăng ký khai thác chỉ được sử dụng gầu múc 2,5 m3 thì trên thực tế họ sẽ đem gầu 8-10 m3 ra để nạo cát được nhiều nhất có thể", ông N. chỉ rõ và cho rằng vụ Giám đốc Sở TN-MT An Giang bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc câu kết với mỏ cát khai thác trái phép hàng triệu mét khối cát cũng đã phần nào lý giải về lỗ hổng quản lý.

Ở góc độ kinh doanh, ông N.Đ (TP.Cần Thơ) cho rằng mặc dù tình trạng khan hiếm cát đang gây rất nhiều khó khăn cho các công trình nhưng cũng mang nhiều hy vọng cho giới làm cát chân chính. "Chúng tôi rất muốn minh bạch. Vì họ khai thác gian lận, chúng tôi đâu có lợi lộc gì. Chỉ những kẻ núp trong bóng tối hưởng lợi", ông Đ. nói và cho rằng lâu nay chính vì nguồn cung cát rất thiếu minh bạch đã khiến cho mỗi m3 cát từ mỏ đến công trình phải tốn quá nhiều chi phí. 

Chưa kể đến những rủi ro về hóa đơn chứng từ nguồn gốc cát rất phức tạp. Đặc biệt là khi chi phí tăng cao thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ chịu thiệt đầu tiên, bao gồm cả các công trình nhà nước. "Thế nên rất mong là sau vụ án ở An Giang, công tác quản lý khai thác cát được chấn chỉnh trên diện rộng. Khi nguồn cung cát minh bạch, giá cát trên thị trường có thể lên cao nhưng quản lý tốt chắc chắn sẽ ổn định lâu dài. Công trình không phải lo phập phồng nguồn cung, người kinh doanh cũng không phải lo giá cả biến động như hình sin", ông Đ. nói.

Có lợi cho cao tốc

Mặc dù đang phải chạy vạy khắp miền Tây tìm nguồn cát cung cấp cho gói thầu thuộc tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, nhưng ông L.T.L (chủ thầu san lấp có trụ sở ở Trà Vinh) tỏ ra phấn khởi khi tin rằng nguồn cát cung cấp cho các tuyến cao tốc sẽ hưởng lợi sau vụ bắt cát lậu ở An Giang. "Sau vụ việc, các mỏ sẽ cung cấp cát ra thị trường chậm lại nhưng chắc chắn sẽ phải thực hiện nghiêm túc việc ưu tiên nguồn cát cho cao tốc tại ĐBSCL theo chỉ đạo của Chính phủ", ông L. nói và cho biết ông đang hy vọng vài ngày tới sẽ tìm được nguồn cát đủ để đáp ứng cho gói thầu hơn 200.000 m3 cát mà DN của ông đã trúng thầu nhưng chưa thể tìm được nguồn cung mấy tháng nay.

Cũng theo nhà thầu này, trước đó các mỏ cát dù còn trữ lượng nhưng không mấy mặn mà cung cấp cho cao tốc. Thậm chí họ luôn tìm cách cung cấp cầm chừng, đối phó, cấp cát không đạt chuẩn. Lý do là mức giá cung cấp cát cho cao tốc chỉ khoảng 80.000 đồng/m3, thấp hơn rất nhiều so với mức giá bán thương mại từ 120.000 - 130.000 đồng. "Chưa kể khi bán cho dự án cao tốc, các mỏ sẽ phải xuất hóa đơn đầy đủ dẫn tới tiêu hao trữ lượng được cấp phép nhanh hơn. Ngược lại, khi bán thương mại, ngoài giá cao, họ còn "phù phép" hóa đơn, một tờ hóa đơn 500 m3 có thể bán 5.000 m3", ông L. nói.

Vị này thông tin ngay sau khi Bộ Công an vào cuộc khởi tố và bắt tạm giam 18 bị can có liên quan hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát của Công ty Trung Hậu 68 thì tình hình cung cấp cát ở ĐBSCL đã đảo chiều. "Trước đây anh có thể dùng hóa đơn đi đường để đối phó cơ quan chức năng. Còn bây giờ thì phải chứng minh được điểm đi, điểm đến, thế nên có thể nói giờ chỉ có cấp cát cho cao tốc là an toàn", ông L. nói thêm.

Chưa cân đối được vật liệu đắp nền đường

Theo thống kê của Bộ GTVT, nhu cầu về cát đắp, vật liệu san lấp của các dự án tại ĐBSCL (giai đoạn 2022-2025) khoảng gần 50 triệu m3. Trong đó, năm 2023 khoảng 17 triệu m3; năm 2024-2025 khoảng 30 triệu m3.

Hiện tại, dự án tuyến cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và các dự án Mỹ An - Cao Lãnh và Cao Lãnh - An Hữu đã dự kiến kế hoạch bố trí cơ bản đủ nguồn cát để thi công với tổng trữ lượng khoảng 28,01/29,31 triệu m3. Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau: nhu cầu khoảng 18,5 triệu m3 (năm 2023 khoảng 11,1 triệu m3, năm 2024 khoảng 7,4 triệu m3), hiện còn thiếu 17,4 triệu m3 chưa cân đối được nguồn vật liệu đắp nền đường. /.

Nguồn: Đình Tuyển - Trần Ngọc/thanhnien.vn