Trung Quốc tăng cung ứng thuốc sau khi thay đổi chiến lược chống dịch

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Trung Quốc tăng cung ứng thuốc sau khi thay đổi chiến lược chống dịch

Để khắc phục tình trạng quá tải tại các bệnh viện và cơ sở y tế hiện nay, các nhà chức trách đã triển khai một cơ sở y tế dã chiến, chuyên khám, chữa các bệnh nhân có triệu chứng sốt cao.

Giới chức thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) đang thúc đẩy hoạt động sản xuất và cung ứng thuốc men, đặc biệt là thuốc giảm đau và hạ sốt, để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của những người mắc COVID-19. 

Cụ thể, cơ quan quản lý dược phẩm sở tại và các cơ quan chức năng đã phối hợp với 5 doanh nghiệp chuyên cung cấp dược phẩm lớn ở Bắc Kinh nhằm giảm thiểu tình trạng thiếu thuốc và thiết bị, vật tư y tế.

Theo số liệu của China Resources Pharmaceutical Commercial Group Co., Ltd., công ty này đã cung cấp hơn 3,5 triệu bộ thuốc điều trị COVID-19, trong đó có thuốc hạ sốt, cho hơn 4.000 khách hàng tại Bắc Kinh trong tuần qua.

Nhân viên y tế tại khu vực được dỡ bỏ lệnh phong tỏa do COVID-19 ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 9/12. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các cơ sở tiếp nhận gồm gần 300 bệnh viện, hơn 2.200 trung tâm y tế cộng đồng và hơn 1.500 nhà thuốc bán lẻ.

Để khắc phục tình trạng quá tải tại các bệnh viện và cơ sở y tế hiện nay, các nhà chức trách đã triển khai một cơ sở y tế dã chiến, chuyên khám, chữa các bệnh nhân có triệu chứng sốt cao tại Nhà thi đấu Quảng An ở quận Tây Thành, Bắc Kinh.

Cơ sở này có đủ nhà thuốc và kho dự trữ y tế, với loại thuốc chính là acetaminophen và ibuprofen, cũng như một số loại thuốc giúp giảm triệu chứng liên quan. 

Theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, Trung Quốc đang tập trung nguồn lực để đẩy mạnh sản xuất và cấp, phát các loại thuốc chính để điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Công tác cấp, phát thuốc sẽ được ưu tiên đối với các cơ sở y tế và viện dưỡng lão.

Các nhà thuốc lớn sẽ phát triển dịch vụ trên nền tảng trực tuyến để đảm bảo chuyển thuốc kịp thời cho bệnh nhân. JD Health International Inc. - chi nhánh chăm sóc sức khỏe của "gã khổng lồ" thương mại điện tử JD.com, đang hợp tác với các công ty dược phẩm để đảm bảo ổn định nguồn cung và giá thuốc.

Trong khi đó, cơ quan quản lý bưu chính thành phố Bắc Kinh đang nỗ lực đáp ứng cơ bản nhu cầu chuyển phát ở mức thông thường của thành phố. Chính quyền cho biết sẽ ưu tiên cung cấp thuốc và vật tư phòng chống dịch bệnh ở những khu vực có nhu cầu cao hơn.

Liên quan đến việc điều chỉnh biện pháp chống dịch COVID-19, cùng ngày, chuyên trang tài chính Caixin cho biết Chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ tăng số lượng chuyến bay để khôi phục mức trung bình hằng ngày tương đương 70% mức ghi nhận trong năm 2019 (tính đến ngày 6/1/2019).

Theo Caixin, đây là một phần trong kế hoạch của Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC), công bố ngày 14/12, nhằm khuyến khích phục hồi trong lĩnh vực hàng không. CAAC chưa đưa ra bình luận nào chính thức về vấn đề này. 

Theo Caixin, trong giai đoạn từ ngày 7/1-31/1/2023, số lượng các chuyến bay chở khách trung bình hằng ngày sẽ tăng lên mức tương đương 88% của năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Các chuyến bay hằng ngày nên đạt tối đa 13.667 chuyến, trong đó có tới 11.667 chuyến có thể là nội địa. CAAC đặt mục tiêu ngành công nghiệp hàng không đảm bảo phục hồi ổn định vào cuối tháng 3/2023. 

Trung Quốc đang điều chỉnh chính sách phòng chống dịch COVID-19 nhanh chóng theo hướng nới lỏng hơn các biện pháp kiểm soát.

Theo dữ liệu từ Bộ Giao thông vận tải, các công ty phân tích du lịch và tư vấn năng lượng, những điều chỉnh này đã thúc đẩy đáng kể hoạt động đi lại với vận tải đường bộ và đường hàng không tăng tốc trở lại sau 2 tháng. 

Theo nhà cung cấp dữ liệu Variflight, lượng hành khách hàng không nội địa hằng tuần đã tăng 68% trong tuần trước, đạt 3,7 triệu lượt hành khách - mức tăng lớn nhất kể từ dịp nghỉ Tết Nguyên Đán vào tháng 2/2022.

Tuy nhiên, con số đó vẫn thấp hơn 37% so với một năm trước đó và thấp hơn 68% so với năm 2019. Biện pháp hạn chế đi lại đã đặc biệt ảnh hưởng đến các hãng hàng không lớn nhất của đất nước.

Trong quý 3 năm 2022, các hãng Air China Ltd., China Southern Airlines và China Eastern Airlines đã bị lỗ nặng do ảnh hưởng của dịch bệnh./.

Nguồn: vietnamplus.vn